Phương pháp phẫu thuật thay khớp gối và những thông tin nên biết

Phẫu thuật thay khớp gối là một phương pháp điều trị tiên tiến hiện nay đã giúp rất nhiều người bệnh đau khớp gối nặng lấy lại được chức năng vận động. Để mọi người có được những kiến thức cần thiết về phương pháp điều trị hiện đại này, chúng tôi xin được cung cấp những thông tin hữu ích ngay trong bài viết dưới đây. Mọi người chớ nên bỏ lỡ.

phẫu thuật thay khớp gối
Phẫu thuật thay khớp gối – Phương pháp hiệu quả khi khớp gối bị tổn thương quá nặng

I. Hiểu sơ về phương pháp phẫu thuật thay khớp gối

Phẫu thuật thay khớp gối chính là một phương pháp can thiệp ngoại khoa với mục đích lấy đi khớp bị hư hại và thay vào đó là một khớp nhân tạo có khả năng giúp người bệnh khôi phục lại chức năng vận động vốn có của khớp gối. Bên cạnh đó còn hồi phục chức năng của mô mềm, dây chằng hay các cơ xung quanh khớp gối.

Bác sĩ Nguyễn Minh Nhật (Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết: “Với việc phẫu thuật thay khớp gối thì phần sụn khớp bị hư tổn cũng như những mảnh vụn của xương sẽ được cắt bỏ và lấy ra ngoài và thay bằng các phần nhân tạo được nối với nhau nhờ xi măng xương. Ngày nay, khoa học đã cho ra đời các khớp nhân tạo rất bền chặt được tạo thành bởi nhựa Pholythylene và hợp kim Cobalt Chrome. Khớp nhân tạo này sẽ giúp người bệnh thực hiện các cử động ở khớp gối một các rất dễ dàng mà không hề ảnh hưởng đến dây chằng cũng như các mô cơ xung quanh.”

Các thống kê cũng đã cho thấy rằng, khớp nhân tạo có tuổi thọ cũng tương đối dài, khoảng 15 đến 20 năm tùy thuộc vào mức độ vận động sau phẫu thuật của người bệnh.

II. Khi nào cần tiến hành phẫu thuật thay khớp gối?

Không phải với bất cứ đối tượng người bệnh bị tổn thương khớp gối nào cũng sẽ đều được chỉ định làm phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo. Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh cũng như thể trạng của người bị bệnh mà việc thay khớp sẽ được chỉ định hay không.

1. Trường hợp được chỉ định thay khớp gối

Phẫu thuật thay khớp gối là phương án cuối cùng được nghĩ tới đối với người mắc bệnh thoái hóa khớp gối hay những bệnh lí về xương khớp khác khiến khớp gối bị tổn thương nghiêm trọng. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định thay khớp gối trong một số trường hợp cụ thể như sau:

  • Người bệnh đã điều trị bằng nội khoa trên 2 tháng nhưng bệnh vẫn không có gì tiến triển mà càng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Mặc dù đã sử dụng thuốc bôi trơn khớp gối hay tiêm corticoide trực tiếp nhưng cũng không ức chế được sự phát triển của bệnh.
  • Hai đầu xương có dấu hiệu bị hư hại mà biểu hiện dễ thấy nhất là khớp gối bị vẹo vào bên trong. Dù có vận động hay không thì vẫn xuất hiện những cơn đau nhức rất dữ dội khiến người bệnh không thể chịu đựng nổi.
  • Hiện tượng cứng khớp gối liên tục xảy ra khiến người bệnh rất khó vận động và nặng nề hơn là mất hoàn toàn khả năng vận động.
khi nào nên thay khớp gối
Phẫu thuật thay khớp gối có thể được chỉ định khi người bệnh mất khả năng vận động

Đối với những trường hợp vừa kể trên, thay khớp gối chính là phương án duy nhất có thể giúp người bệnh lấy lại chức năng vận động.

2. Trường hợp không nên thay khớp gối

Mặc dù, khớp gối cũng có thể đã bị tổn thương rất nhiều nhưng trong một số trường hợp, các bác sĩ vẫn cần cân nhắc rất kỹ lưỡng về việc có nên lựa chọn phương pháp phẫu thuật thay khớp hay không. Thường thì những trường hợp sau đây, phẫu thuật thây khớp gối sẽ không được chỉ định:

  • Người bệnh còn mắc một số các bệnh lí nội khoa nguy hiểm kèm theo như các bệnh về tim mạch, suy thận, tiểu đường,… Bởi khi thực hiện phẫu thuật thay khớp gối thì nguy cơ người bệnh gặp các biến chứng trong và sau phẫu thuật là rất cao.
  • Người dưới 40 tuổi nếu khớp gối chưa tới mức tổn thương hoàn toàn thì cũng không nên phẫu thuật thay khớp. Cần biết rằng, khớp nhân tạo sẽ không thể nào tồn tại vĩnh viễn mà chỉ có tuổi thọ khoảng 15 năm. Thay khớp khi còn quá trẻ thì người bệnh sẽ đối diện với nguy cơ phải thay thêm lần nữa.
  • Vùng khớp gối bị hư hại kèm theo hiện tượng viêm nhiễm nặng nề thì cũng không được chỉ định phẫu thuật thay khớp vì rủi ro rất cao.
  • Ngoài ra, đối với những người có trọng lượng cơ thể quá lớn thì cũng không nên thực hiện phẫu thuật thay khớp với lí do áp lực từ cơ thể sẽ khiến cho khớp nhân tạo nhanh hư hỏng.

III. Những biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật thay khớp gối

Sở dĩ, phẫu thuật thay khớp gối thường được chỉ định cuối cùng khi mà những cách điều trị khác không đem lại hiệu quả là vì vừa tốn kém lại dễ xảy ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Sau đây là một số biến chứng thường gặp khi thực hiện phẫu thuật thay khớp gối:

Biến chứng trong khi phẫu thuật

  • Động mạch khoeo hay dây thần kinh mác bên có thể bị tổn thương: Tình trạng này khá hiếm gặp nhưng để lại hậu quả vô cùng nặng nề nếu chẳng may mắc phải.
  • Bong hay đứt gân điểm bám, gân cơ tứ đầu, gân bánh chè. Thậm chí người bệnh còn đứng trước nguy cơ gãy xương đùi, xương chày hay các cấu trúc xung quanh khớp gối cũng bị tổn thương nghiêm trọng.

Biến chứng hậu phẫu

  • Nhiễm trùng: Mặc dù không phổ biến nhưng đây chính là nguy cơ cơ bản trong bất cứ cuộc phẫu thuật nào chứ không riêng gì phẫu thuật thay khớp gối. Khi bị nhiễm trùng thì người bệnh sẽ đứng trước hiện tượng sưng đầu gối và đau rất dữ dội, vết mổ bị chảy dịch kèm theo đó là hiện tượng sốt cao. Lúc này buộc phải mổ lại để vệ sinh làm sạch khớp gối.
  • Đau nhức sau khi mổ: Có thể là những cơn đau nằm trong sức chịu đựng của người bệnh nhưng cũng có thể người bệnh sẽ phải chịu sự đau nhức vô cùng dữ dội do bị tụ máu đầu gối. Trường hợp này cũng phải tiến hành mổ lại để hút sạch máu tụ.
biến chứng của phẫu thuật thay khớp gối
Sau khi phẫu thuật thay khớp gối có thể người bệnh sẽ gặp hiện tượng đau nhức khớp dữ dội
  • Cứng gối: đây là một trong những biến chứng thường gặp nhất khi hiện tượng xơ dính khớp xảy ra thì độ co duỗi của khớp cũng sẽ bị hạn chế do khớp gối bị bó chặt lại.
  • Các biến chứng trên da: Có thể là da mất cảm giác hay tăng cảm giác theo từng vùng, đau nhức tại vết sẹo hay loét da và cũng không loại trừ nguy cơ hoại tử.

Ngoài ra, các thuốc gây tê hay gây mê được sử dụng khi phẫu thuật cũng có thể để lại rất nhiều di chứng cho người bệnh. Ví dụ như ói mửa, đau đầu, trí nhớ suy giảm, giảm tập trung. Nghiêm trọng hơn là tim ngừng đập, co thắt, sốc phản vệ hay liệt vĩnh viễn.

IV. Quy trình thay khớp gối nhân tạo

Nhiều người nghĩ rằng, thay khớp nhân tạo là một phương pháp rất khó khăn và quy trình của nó cũng hết sức phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển vượt bậc của y học hiện đại, mọi thứ đều trở nên đơn giản hơn.

Quy tình thay khớp gối nhân tạo cũng không quá phức tạp, sau khi tiến hành gây tê hoặc gây mê cho người bệnh và thực hiện mổ một đường rạch ở đầu gối, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành các bước như sau:

  • Bước 1: Tiến hành tháo gỡ vùng sụn bị tổn thương nặng nề ra khỏi khớp gối.
  • Bước 2: Sau khi đã đưa phần sụn hư hại ra ngoài thì tiến hành khoan lỗ tại các khớp xương để có thể lắp sụn nhân tạo vào.
  • Bước 3: Thực hiện việc lắp sụn nhân tạo tại khớp gối được khoan.
  • Bước 4: Gắn một tấm đệm bằng nhựa vào ngay giữa vùng sụn nhân tạo.
  • Bước 5: Điều chỉnh xương chày và tiến hành ghép thay thế phần còn lại của khớp gối.

Để hiểu rõ hơn về quy trình thay khớp gối nhân tạo, mọi người hãy theo dõi cụ thể hơn trong video sau đây:

V. Những điều cần lưu ý sau khi phẫu thuật thay khớp gối

Sau khi phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo người bệnh nên thực hiện chế độ luyện tập phù hợp để có thể nhanh chóng hồi phục và lấy lại chức năng vận động. Các bài tập vật lí trị liệu theo hướng dẫn của những người có chuyên môn là rất cần thiết trong lúc này.

Mới đầu, người bệnh sẽ cần sử dụng đến khung chống hay nạng để tập luyện giúp hỗ trợ tốt hơn trong việc làm mạnh khớp gối. Tuy nhiên, sau khoảng 6 tuần thì bệnh nhân có thể bỏ các phương tiện hỗ trợ. Và sau khoảng 8 đến 12 tuần thì đã có thể đi xe nhưng đến tận vài năm thì khớp gối mới có thể phục hồi hoàn toàn.

Các bác sĩ chuyên khoa khuyên rằng, khi vừa mới thực hiện phẫu thuật thay khớp gối xong người bệnh không nên sử dụng toilet dạng ngồi, hạn chế ngồi xổm. Ngoài ra cũng không nên chạy bộ hay vận động và chơi các môn thể thao mạnh. Một số bộ môn như đi bộ, bơi lội nhệ nhàng là phù hợp nhất với người bệnh lúc này.

Hiện nay, phẫu thuật thay khớp gối chính là một phương pháp rất hiệu quả cho những người bị viêm khớp hay thoái hóa khớp gối giai đoạn nặng. Phương pháp này sẽ giúp người bệnh lấy lại chức năng vận động và từ đó có thể cải thiện được chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên cũng cần cân nhắc, chỉ nên lựa chọn khi thật sự cần thiết bởi phẫu thuật thay khớp gối cũng tồn tại không ít rủi ro.

Hải Ngọc

Thông tin hữu ích bạn nên đọc ngay:

Cập nhật lúc 12:53 - 18/09/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo
Messenger