Chấn thương sọ não: Dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Chấn thương sọ não thường xảy ra do một cú va chạm mạnh vào đầu hoặc cột sống. Một vật xuyên qua sọ não như một viên đạn hoặc mãnh vỡ hộp sọ cũng có thể gây ra chấn thương sọ não.

Chấn thương sọ não nhẹ có thể ảnh hưởng đến các tế bào não. Tuy nhiên, chấn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài hoặc tử vong.

chấn thương sọ não là gì
Chân thương sọ não là một vấn đề nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức

Chấn thương sọ não là gì?

Chấn thương sọ não là tình trạng người bệnh bị sang chấn ở đầu và có các tổn thương ở hộp sọ. Đây là tổn thương có nguy cơ tử vong cao và để lại nhiều di chứng nguy hiểm về sau.

Chấn thương sọ não là tai nạn khá phổ biến ở mọi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Chấn thương sọ não có thể nhẹ hoặc nặng, tùy theo lực va chạm và mức độ tổn thương của các tế bào não.

Dấu hiệu nhận biết chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não có thể tác động về mặt thể chất và tâm lý của người bệnh. Một số dấu hiệu có thể xảy ra ngay khi chấn thương. Tuy nhiên, một số khác thì có thể xuất hiện sau vài ngày hoặc vài tuần sau đó.

1. Chấn thương sọ não nhẹ

Các dấu hiệu chấn thương sọ não nhẹ bao gồm:

  • Mất ý thức trong một đến vài phút.
  • Choáng váng, bối rối hoặc mất phương hướng.
  • Đau đầu.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Mệt mỏi hoặc thường xuyên buồn ngủ.
  • Gặp khó khăn trong lời nói.
  • Khó ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường.
  • Chóng mặt, mất thăng bằng.
  • Có vấn đề về cảm giác như mờ mắt, ù tai, có mùi vị khó chịu trong miệng hoặc khứu giác gặp vấn đề.
  • Nhạy cảm hơn với ánh sáng hoặc âm thanh.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các vấn đề về tâm lý hoặc tâm thần như sau:

  • Mất trí nhớ hoặc suy giảm khả năng tập trung.
  • Thay đổi tâm trạng.
  • Cảm thấy chán nản hoặc hay lo âu.

2. Chấn thương sọ não trung bình đến nặng

Chấn thương sọ não trung bình đến nặng có thể bao gồm tất cả dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương nhẹ. Dấu hiệu có thể xuất hiện trong một vài giờ hoặc vài ngày sau chấn thương.

dấu hiệu chấn thương sọ não
Dấu hiệu chấn thương sọ não có thể bao gồm mất ý thức, co giật,…

Dấu hiệu chấn thương sọ não cấp độ trung bình và nặng bao gồm:

  • Mất ý thức từ vài phút đến vài giờ.
  • Nhức đầu dai dẳng và có dấu hiệu ngày càng trầm trọng thêm.
  • Buồn nôn hoặc nôn nhiều lần trong ngày.
  • Co giật.
  • Tròng mắt giãn to.
  • Có máu hoặc chất lỏng trong suốt chảy ra từ tai hoặc mũi.
  • Ngủ sâu và không có khả năng tự thức dậy.
  • Tây chân yếu hoặc tê.
  • Mất sự kết hợp giữa tứ chi.
  • Mất khả năng điều khiển tứ chi.
  • Có dấu hiệu mất nhận thức và tâm thần, đầu óc mơ hồ, hay nhầm lẫn.
  • Dễ bị kích động, hành vi bất thường.
  • Mất khả năng nói hoặc nói chuyện không trôi chảy.
  • Hôn mê và các dấu hiệu rối loạn ý thức khác.

3. Dấu hiệu nhận biết chấn thương sọ não ở trẻ em

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị chấn thương sọ não cũng có các triệu chứng tương tự như người lớn. Ở một đứa trẻ, các dấu hiệu chấn thương sọ não có thể bao gồm:

  • Thay đổi thói quen ăn uống.
  • Khó chịu, hay quấy khóc và không thể dỗ dành được.
  • Mất khả năng tập trung, chú ý.
  • Động kinh, co giật.
  • Tâm trạng buồn hay tỏ vẻ thất vọng, chán nản.
  • Buồn ngủ, ngủ nhiều, ngủ sâu.
  • Mất hứng với đồ chơi hoặc các hoạt động mà trước đây bé yêu thích.

Đây không phải là danh sách đầy đủ các triệu chứng chấn thương sọ não ở cả người lớn và trẻ em. Do đó, nếu người bệnh có nhu cầu tìm hiểu thêm hoặc có bất cứ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

Chẩn đoán chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não là một tình trạng khẩn cấp và hậu quả có thể xấu đi nếu không được điều trị kịp lúc. Do đó, các bác sĩ cần đánh giá tình hình một cách nhanh chóng để có biện pháp xử lý.

1. Thang điểm hôn mê Glasgow

Bài kiểm tra này có 15 điểm tất cả giúp bác sĩ và nhân viên y tế có thể đánh giá tình trạng khẩn cấp và mức độ ban đầu của chấn thương não.

Thang điểm hôn mê Glasgow kiểm tra tình trạng của người bệnh bằng cách hướng dẫn người bệnh di chuyển mắt và tay của người bệnh để kiếm tra sự gắn kết giữa lời nói và hành động. Điểm tối thiểu của thang điểm hôn mê Glasgow là 3 điểm. Điểm càng cao có nghĩa là chấn thương càng ít nghiêm trọng.

2. Thông tin về thương tích và các triệu chứng

Người nhà và những người chứng kiến tai nạn hoặc chấn thương có thể cung cấp cho nhân viên y tế thông tin hữu ích trong việc đánh giá tình trạng của người bị thương.

dấu hiệu chấn thương sọ não
Những thông tin về việc dẫn đến chấn thương có thể giúp ích cho việc chẩn đoán và điều trị

Bác sĩ và nhân viên y tế có thể hỏi  các câu hỏi sau để xác nhận mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Các câu hỏi có thể bao gồm:

  • Chấn thương diễn ra như thế nào?
  • Người bệnh đã mất ý thức hay chưa?
  • Nạn nhân đã bất tỉnh bao lâu?
  • Có điều bất thường nào về sự tỉnh táo, lời nói hoặc các dấu hiệu thương tích khác hay không?
  • Các bộ phận bị chấn thương khác ở đâu?
  • Chấn thương là do ngã, bị đánh, va chạm hay tai nạn?

3. Xét nghiệm hình ảnh

Xét nghiệm hình ảnh là phương pháp chính xác nhất để xác định mức độ tổn thương của người bệnh. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

+ Chụp cắt lớp vi tính (CT):

Xét nghiệm này thường được thực hiện trong phòng cấp cứu nếu người bệnh bị nghi ngờ là chấn thương sọ não. Chụp CT có thể giúp bác sĩ nhận biết các xương bị gãy và phát hiện các tình trạng:

  • Xuất huyết hoặc chảy máu bên trong tế bào não
  • Tụ máu, có khối máu đông
  • Mô não bị bầm tím, nhiễm trùng
  • Sưng mô não

+ Chụp cộng hưởng từ MRI:

MRI sử dụng sóng vô tuyến và nam châm mạnh để cho ra hình ảnh chất lượng và chi tiết về não bộ. Xét nghiệm này có thể được sử dụng sau khi tình trạng của bệnh nhân đã ổn định hơn hoặc các triệu chứng không được cải thiện sau thời gian nghỉ ngơi và điều trị ban đầu.

4. Theo dõi áp lực nội sọ

Sưng mô do chấn thương sọ não có thể làm tăng áp lực bên trong hộp sọ và khiến người bệnh bị tổn thương các dây thần kinh não bộ. Các bác sĩ có thể chèn một đầu dò xuyên qua hộp sọ theo dõi áp lực này để kiểm soát các dấu hiệu bất thường.

Điều trị chấn thương sọ não

Điều trị chấn thương sọ não cần phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

1. Chấn thương nhẹ

Chấn thương sọ não nhẹ có thể không cần điều trị bằng phường pháp y tế. Người bệnh có thể nghỉ ngơi và sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để hạn chế các cơn đau đầu. Tuy nhiên, người bệnh chấn thương sọ não có thể cần được theo dõi tại nhà để kiểm soát các triệu chứng. Người bệnh cũng có thể hẹn với bác sĩ để kiểm soát tình hình.

Bác sĩ sẽ cho người bệnh biết thời gian cụ thể có thể quay trở lại để làm việc, học tập hoặc giải trí phù hợp nhất. Tuy nhiên, tốt nhất người bệnh nên hạn chế các hoạt động thể chất hoặc suy nghĩ để tránh làm cho tình trạng tồi tệ thêm.

2. Sử dụng thuốc

thuốc điều trị chấn thương sọ não
Một số loại thuốc có thể được dùng để điều trị chấn thương sọ não

Các loại thuốc có thể dùng để hạn chế các tổn thương thứ phát sau khi chấn thương sọ não bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu: Những loại thuốc này có thể làm giảm chất lượng chất lỏng có trong các mô và tăng lượng nước tiểu. Thuốc lợi tiểu đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch có thể giúp làm giảm áp lực sọ não ở những người bị tổn thương.
  • Thuốc chống động kinh: Thuốc sẽ được cung cấp trong tuần đầu tiên để tránh bất kỳ tổn thương nào xảy ra cho não.
  • Thuốc gây mê: Đôi khi bác sĩ cần phải đưa người bệnh vào trạng thái hôn mê tạm thời vì lúc này não cần ít oxy hơn để hoạt động. Điều này đặc biệt hữu ích khi các mạch máu bị chén ép, đè nén trong não, không thể cung cấp cho não một chế độ dinh dưỡng và oxy như bình thường.

3. Cấp cứu ngay lập tức

Cấp cứu là việc cần được thực hiện ngay lập tức đối với chấn thương sọ não trung bình và nặng. Người bệnh cần đảm bảo có đủ lượng máu và oxy cung cấp cho não bộ để duy trì huyết áp và ngăn ngừa các tổn thương có thể xảy ra ở đầu và cổ.

Những người bị thương nặng có thể có những chấn thương khác cần được chăm sóc y tế. Các phương pháp điều trị bổ sung nhằm giảm thiểu biến chứng do viêm, chảy máu hoặc giảm lượng oxy cung cấp cho não.

4. Phẫu thuật

Phẫu thuật khẩn cấp là điều cần thiết để giảm thiểu các thiệt hại do chấn thương gây ra. Phẫu thuật có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề sau:

  • Loại bỏ máu đóng cục (khối máu tụ trong não): Chảy máu bên ngoài hoặc bên trong não có thể dẫn đến một khối máu đông gây áp lực lên não là làm hỏng mô não.
  • Sữa chữa xương sọ bị gãy: Đây là phẫu thuật cần thiết để sửa chữa các vấn đề nghiêm trọng hoặc loại bỏ các mảnh hộp sọ trong não.
  • Chảy máu não: Chấn thương đầu có thể làm xuất huyết trong não. Phẫu thuật sẽ được thực hiện để cầm máu.
  • Mở hộp sọ: Phẫu thuật này được sử dụng để làm giảm áp lực bên trong hộp sọ bằng cách rút dịch não tích lũy hoặc tạo một lỗ hỏng để cung cấp không gian cho các mô bị sưng.

5. Phục hồi chức năng

Hầu hết những người từng bị chấn thương sọ não sẽ được yêu cầu để hồi phục chức năng. Họ có thể cần học lại các kỹ năng sống cơ bản bao gồm cả nói chuyện. Mục tiêu của việc phục hồi chức năng là để cải thiện khả năng hoạt động trong cuộc sống hàng ngày.

Điều trị phục hồi có thể bắt đầu trong bệnh viện hoặc các cơ sở phục hồi chức năng. Người bệnh cũng có thể nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia phục hồi chức năng để rút ngắn thời gian hồi phục.

Chấn thương sọ não là một vấn đề nghiêm trọng và cần nhận được sự chăm sóc của nhân viên y tế. Không được tự ý di chuyển hoặc điều trị cho bệnh nhân ngay tại nhà. Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, nếu người bệnh có bất cứ thắc mắc hoặc cần tìm hiểu thêm thông tin, vui lòng liên hệ bác sĩ chuyên khoa.

Biến chứng của chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não có thể dẫn đến một số biến chứng ngay lập tức hoặc sau khi quá trình điều trị kết thúc. Biến chứng có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy theo mức độ tổn thương của người bệnh.

1. Biến chứng liên quan đến việc thay đổi ý thức

biến chứng của chấn thương sọ não
Người bệnh chấn thương sọ não có thể bị hôn mê sâu hoặc rơi vào trạng thái thực vật

Các biến chứng có thể bao gồm:

  • Hôn mê: Sau chấn thương sọ não, một người có thể bị hôn mê bất tỉnh, không đáp ứng bất cứ sự tác động bên ngoài nào. Điều này có thể kéo dài trong một vài tuần hoặc bước vào trạng thái thực vật.
  • Trạng thái thực vật: Lúc này tổn thương đã lan đến não khiến người bệnh không có nhận thức về thế giới xung quanh. Tuy nhiên, thỉnh thoảng người bệnh vẫn có thể mở mắt, phát ra âm thanh hoặc có phản xạ di chuyển tay, chân hoặc các cơ.
  • Trạng thái có ý thức tối thiểu: Điều này có nghĩa là người bệnh vẫn tỉnh nhưng ý thức mơ hồ. Đôi khi đây là sự chuyển biến phục hồi của trạng thái thực vật.
  • Chết não: Là tình trạng tuần hoàn não bị gián đoạn. Một người được chẩn đoán là chết não sẽ dẫn đến việc suy tim và ngưng thở. Điều này có nghĩa là người bệnh đã tử vong và không có biện pháp để phục hồi.

2. Biến chứng vật lý

Biến chứng vật lý cơ bản bao gồm:

  • Động kinh: Các cơn co giật có thể xảy ra trong giai đoạn đầu sau chấn thương hoặc kéo dài trong nhiều năm sau đó.
  • Tích tụ máu trong não (não úng thủy): Dịch tủy não có thể được tích tụ trong các khoảng trống của não làm tăng áp lực và gây sưng não.
  • Tổn thương các mạch máu: Một số mạch máu lớn và nhỏ ở não có thể bị tổn thương sau khi chấn thương sọ não. Điều này có thể gây ra đột quỵ, đông máu trong não hoặc một số vấn đề có liên quan khác.
  • Nhiễm trùng: Vỡ hộp sọ hoặc các vết thương xuyên qua hộp sọ có thể làm rách mô bảo vệ (màng não) ở xung quanh não. Điều này cho phép vi khuẩn tấn công vào não và gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng màng não có thể lây lan sang hệ thống thần kinh khác nếu như không được điều trị đúng lúc.
  • Đau đầu thường xuyên: Đây là biến chứng phổ biến nhất sau chấn thương sọ não. Nó có thể bắt đầu trong vòng một tuần sau chấn thương và kéo dài đến vài tháng.
  • Chóng mặt thường xuyên: Đây là một biến chứng phổ biến sau khi bị chấn thương sọ não.

Ngoài ra, chấn thương sọ não ở đáy hộp sọ có thể gây tổn hại đến các dây thần kinh trực tiếp ở đáy não. Tổn thương này có thể dẫn đến một số biến chứng bao gồm:

  • Liệt cơ mặt hoặc mất cảm giác ở cơ mặt
  • Thay đổi hoặc mất khả năng khứu giác
  • Thay đổi hoặc bị mất vị giác
  • Khó nuốt
  • Ù tai hoặc nghe âm thanh lạ phát ra trong tai
  • Mất thị giác

3. Biến chứng liên quan đến vấn đề trí tuệ

 biến chứng về mặt thay đổi nhận thức trí tuệ
Mất kí ức là biến chứng về mặt thay đổi nhận thức trí tuệ sau chấn thương sọ não

Nhiều người bị chấn thương sọ não nghiêm trọng có thể thay đổi hoặc mất đi những kỹ năng cơ bản. Biến chứng này có thể bao gồm:

  • Mất ký ức
  • Khả năng học tập, tiếp thu, biện luận và phán quyết gặp nhiều khó khăn
  • Mất khả năng tập trung hoặc chú ý
  • Mất khả năng đưa ra quyết định, lập kế hoạch và hoàn thành nhiệm vụ

4. Biến chứng về vấn đề giao tiếp

Vấn đề về ngôn ngữ và giao tiếp sau chấn thương sọ não có thể gặp nhiều khó khăn. Các vấn đề bao gồm:

  • Khó nói hoặc viết
  • Khó khăn trong việc hiểu, nhận thức lời nói hoặc văn bản
  • Không bắt kịp cao trào của các cuộc trò chuyện
  • Có sự thay đổi về giọng điệu, cao độ hoặc khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc.
  • Khó khăn trong việc nắm bắt tín hiệu ngôn ngữ cơ thể

5. Biến chứng thay đổi hành vi

Chúng có thể bao gồm:

  • Không tự chủ được hành vi cá nhân
  • Thiếu nhận thức về các khả năng của mình
  • Gặp khó khăn trong việc phản xạ đối với các tình huống xã hội

6. Biến chứng thay đổi cảm xúc

biến chứng cảm thay đổi came xúc
Người bệnh chấn thương sọ não rất dễ xúc động và dễ cáu gắt, tức giận

Biến chứng này bao gồm:

  • Phiền muộn, hay lo lắng, tâm trạng không ổn định
  • Hay nổi giận, phẫn nộ, thiếu sự đồng cảm với người khác
  • Mất ngủ thường xuyên

7. Biến chứng liên quan đến cảm giác

Vấn đề liên quan đến các giác quan bao gồm:

  • Khó khăn trong việc nhận biết các đối tượng
  • Không kiểm soát được sự phối hợp giữa tay và chân
  • Ngứa da râm ran
  • Mất sự thăng bằng, dễ chóng mặt té ngã

8. Biến chứng thoái hóa não

Nhiều nghiên cứu cho thấy chấn thương sọ não có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lão hóa và thoái hóa não. Rối loạn thoái hóa não sẽ khiến não mất dần các chức năng và gây ra một số bệnh, bao gồm:

  • Alzheimer: Là nguyên nhân chủ yếu gây mất trí nhớ và các khả năng tư duy khác.
  • Parkinson: Có thể ảnh hưởng đến các vấn đề về vận động bao gồm run rẩy, cứng khớp và khó di chuyển.
  • Chứng mất trí nhớ Pugilistica: Thường có liên quan đến những cú đánh lặp đi lặp lại vào đầu. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng mất trí nhớ và các vấn đề về vận động cơ bản.

Phòng ngừa chấn thương sọ não

Người bệnh có thể giảm nguy cơ chấn thương sọ não bằng một vài lưu ý sau:

  • Hạn chế và ngăn ngừa các nguy cơ té ngã
  • Sử dụng dây an toàn khi lái xe hoặc ngồi trên xe có giới
  • Không uống quá say, không sử dụng ma túy
  • Sử dụng mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp hoặc khi chơi các môn thể thao tốc độ
  • Giữ cho sàn nhà luôn sạch sẽ, khô thoáng, tránh ẩm ướt

Cập nhật lúc 14:14 - 08/04/2019

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo
Messenger