Tác dụng chữa bệnh tuyệt vời của cây cỏ mực ai cũng nên biết
Trị phong thấp, chữa râu tóc bạc sớm, rong kinh… là những tác dụng của cây cỏ mực đang được ứng dụng rộng rãi. Thế nhưng không phải ai cũng biết cỏ mực là cây gì cũng như những công dụng trị bệnh tuyệt vời của loại cỏ mọc hoang này.
Cỏ mực là cây gì?
Cỏ mực là là một loại cỏ mọc hoang được xếp vào nhóm các cây thân thảo thuộc họ cúc Asteraceae. Loại cây này được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như cây hàn liên thảo hay cây cỏ nhọ nồi. Còn trong khoa học thì gọi cỏ mực với tên tiếng anh là Eclipta alba Hassk.
Khi trưởng thành, cây cỏ mực có thể phát triển cao tới 1 mét. Cây mọc thẳng đứng, phân thành nhiều nhánh nhỏ. Thân của loài cây này thường có màu đỏ tía hoặc nâu nhạt. Lá thon dài, đầu nhọn, bề mặt chứa nhiều lông mịn màu trắng. Đôi khi mép lá có răng cưa và mọc đối xứng hai bên cành và thân cây.
Ở nước ta, đi bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể tìm thấy cây cỏ mực. Loại cỏ này mọc hoang nhiều ở ven đường hay các khu đất trống, chúng rất dễ phát triển.
Vào tháng 3 đến tháng 11 hàng năm chính là thời điểm cây cỏ mực phát triển mạnh nhất và cho ra hoa với quả. Hoa cỏ mực nhỏ, có nhiều cánh màu trắng. Riêng quả của loại cây này thì có màu đen với 3 cạnh rõ nét. Khi rụng xuống đất quả sẽ tiếp tục đâm trồi và phát triển thành cây con.
Tiến hành nghiên cứu các thành phần của cây cỏ mực, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều hoạt chất quý như Saponins, hoạt chất chống oxy hóa Flavonoids, Tannin hay Aldehyd… Chính vì vậy mà người ta đã đưa chiết xuất cỏ mực vào trong sản xuất nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng giúp bảo vệ sức khỏe.
Từ lâu những tác dụng của cây cỏ mực như cầm máu vết thương, chữa đau dạ dày, trị viêm họng, viêm xoang, xốt xuất huyết, ung thư hay các bệnh lý về gan… không chỉ được biết đến ở Việt Nam mà còn được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc hay Parkistan…
Việc biết được cụ thể cây cỏ mực chữa bệnh gì sẽ giúp bạn có thêm được một phương thuốc hữu ích, an toàn để trị bệnh cho bản thân cũng như những người thân trong gia đình.
10 tác dụng trị bệnh của cây cỏ mực
Trong các tài liệu y học, có rất nhiều công dụng của cây cỏ mực trong điều trị bệnh được ghi chép lại như:
1. Cỏ mực chữa bệnh viêm mũi, viêm xoang
Thành phần tinh dầu chiết xuất từ lá cỏ mực có tác dụng kháng viêm, tiêu thũng, và ngăn ngừa viêm mũi dị ứng do cơ thể phản ứng thái quá với bụi bẩn, sự biến đổi thời tiết và các tác nhân gây hại khác. Nếu đang bị viêm mũi, viêm xoang bạn không nên bỏ qua tác dụng của cây cỏ mực này.
Cách sử dụng:
Khi bị bệnh, bà con ta thường hái một nắm lá cỏ mực đem giã nát, chắt lấy nước cốt rồi sử dụng như một loại thuốc nhỏ mũi, mỗi bên nhỏ chừng 3 giọt. Thực hiện đều đặn 3 lần/ ngày trong vài ngày liên tiếp các triệu chứng ngứa mũi, sổ mũi hay đau nhức mũi sẽ thuyên giảm.
2. Cỏ mực giúp cầm máu trong các trường hợp bị chảy máu cam, ho ra máu, tiểu ra máu
Hoạt chất tanin có trong cây cỏ mực có tác dụng cầm máu nhanh chóng. Chính vì vậy mà loại cây này được sử dụng để cầm máu trong nhiều trường hợp bị mất máu như:
- Cầm máu vết thương: Cỏ mực và chuối hột khô mỗi loại 100g đem sao cho cháy đen, và 100g tóc cũng đốt cháy thành than. Các nguyên liệu này đem tán thành bột mịn cho vào hũ. Khi bị đứt tay hay bị thương chảy máu hãy lấy chút bột thuốc rắc trực tiếp lên tổn thương sẽ giúp sát khuẩn, cầm máu nhanh.
- Cỏ mực chữa chảy máu cam: Kết hợp cỏ mực với ngó sen mỗi loại chừng 20g làm thuốc sắc uống. Mỗi ngày sắc 1 lần chia làm 2 lần uống liên tục trong 3 tuần liền.
- Trường hợp bị ho ra máu: Chuẩn bị cỏ mực (25g), bạch cập (20g), a giao (10g). Đầu tiên đem cỏ mực và bạch cập sắc lấy một chén nước đặc, saua đó thêm a giao vào quậy cho tan. Chia thuốc làm 2 lần uống trong ngày. Một liệu trình dùng 7 ngày liên tục.
- Cỏ mực chứa bệnh đái ra máu: Hái cỏ mực với mã đề mỗi thứ một nắm, đem rửa sạch, say với nước lấy 1 chén nước cốt. Uống thuốc khi đói bụng trước các bữa ăn sáng, trưa, tối khoảng 1 tiếng.
3. Công dụng của cây cỏ mực trong điều trị bệnh đau dạ dày
Sở dĩ cây cỏ mực có tác dụng chữa bệnh đau dạ dày là nhờ trong thành phần của nó có chứa chất kháng khuẩn, Flavonozit và hàm lượng vitamin K dồi dào. Những chất này giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, làm se và đẩy nhanh quá trình tái tạo của niêm mạc dạ dày.
Cách sử dụng:
Bạn cần có các nguyên liệu gồm: 50g cỏ mực, 25g liên cập thảo cùng 4 quả đại táo và 15g cam thảo. Đem tất cả sắc với 4 chén nước cho đến khi cạn còn 2 chén thì ngưng. Số thuốc thu được chia đều làm 2 lần uống trong ngày.
4. Cây cỏ mực chữa bệnh đau nhức xương khớp, phong thấp
Thêm một tác dụng của cây cỏ mực ít được mọi người biết đến đó chính là chữa các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là bệnh đau nhức xương khớp và phong thấp. Trước những tác hại khôn lường của thuốc tân dược, người dân ở các vùng nông thôn thường tận dụng cây cỏ mực phối hợp cùng một số thảo dược khác để trị bệnh tại nhà nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Cách dùng:
Chuẩn bị một thang thuốc gồm cỏ mực và thổ phục linh ( mỗi vị 20g), ngải cứu và ké đầu ngựa ( mỗi vị 12g), 30g cứt lợn và 40g cỏ xước. Sau khi rửa sạch các nguyên liệu trên thì cho tất cả vào ấm nấu cùng 2 lít nước. Đun trên lửa nhỏ liu riu cho đến khi thấy nước trong nồi cạn còn 2 chén thì chắt ra uống 2-3 lần trong ngày cho hết.
Bạn không nên bỏ qua: Cách giảm đau nhức xương khớp ở người già cực nhanh
5. Công dụng chữa bệnh trĩ của cây cỏ mực
Đối với những người bị trĩ đi ngoài ra máu thì cỏ mực là một phương thuốc tuyệt vời. Nó cũng giúp giảm đau, giảm sưng búi trĩ cho người bệnh.
Dân gian có 2 cách dùng cây cỏ mực chữa bệnh trĩ như sau:
- Cách 1: Lấy 1 nắm cỏ mực ( bao gồm cả rễ, thân và lá) đem giã nát, vắt lấy nước cốt. Trong lúc đó, bạn cũng lấy một ly rượu nhỏ nấu lên cho nóng rồi cho nước cỏ mực vào hòa lẫn uống. Phần bã chúng ta lấy đắp bên ngoài hậu môn mỗi khi búi trĩ bị sa ra ngoài.
- Cách 2: Rửa sạch cây cỏ mực và đem sao trên miếng ngói sạch cho đến khi thuốc khô giòn. Nghiền cỏ mực thành bột mịn cất vào hũ có nắp đậy kín. Khi bệnh trĩ gây đi cầu ra máu, bạn lấy 8g bột pha chung với 1 chén nước cơm uống ngày 2-3 lần. Kiên trì vài ngày sẽ thấy kết quả.
6. Tác dụng của cây cỏ mực đối với người mắc bệnh thận
Theo y học cổ truyền, cỏ mực có tính mát, giúp hỗ trợ thải độc cho thận. Kết hợp cỏ mực với sa tiền thảo, đậu đen sẽ giúp hỗ trợ điều trị sỏi thận, suy thận hiệu quả.
- Cách dùng cây cỏ mực chữa sỏi thận: Bạn lấy 25g cỏ mực đem nấu chung với 15g xa tiền thảo uống như nước trà nhiều lần trong ngày cho hết. Nếu quá khó uống có thể cho thêm chút đường để tạo vị ngọt. Dùng bài thuốc này liên tục trong 3 tuần sẽ làm tan các cục sỏi và tống khứ chúng ra ngoài qua đường nước tiểu.
- Trường hợp bị suy thận: Chuẩn bị 40g đậu đen (rang cháy) và 30g cây cỏ mực. Nấu sôi 2 lít nước rồi cho hai nguyên liệu trên vào đun thêm 15 phút. Chắt lấy nước uống thay nước lọc hàng ngày. Phần bã giữ lại nấu uống thêm 2 lần nữa mới bỏ đi.
7. Tác dụng trị bệnh di tinh, mộng tinh của cây cỏ mực
Cây cỏ mực được xem như vị cứu tinh cho nhiều quý ông đang mắc chứng di tinh, mộng tinh. Vị thuốc này đặc biệt có hiệu quả cho những trường hợp bị bệnh do thận âm hư, tâm thận nóng.
Cách sử dụng:
Cỏ nhọ nồi đem phơi khô, sao vàng và hạ thổ, sau đó nghiền nhuyễn thành bột. Khi có biểu hiện bị di tinh, mộng tinh bạn nấu một nồi cháo loãng rồi pha 8g bột thuốc vào uống. Mỗi liệu trình dùng liên tục một tuần liền nếu vẫn chưa hết bệnh thì uống tiếp liệu trình mới.
8. Chữa rong kinh cho phụ nữ bằng cỏ mực
Chữa rong kinh chính là một trong những công dụng của cây cỏ mực trong việc chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ. Trường hợp này chị em hãy hái ngay một nắm cỏ mực về nấu nước uống.
Nếu bị rong kinh dài ngày kèm theo số lượng máu ra nhiều thì cần phối hợp cỏ mực với trắc bá diệp và cây huyết dụ. Sử dụng chúng với lượng bằng nhau đem nấu nước uống. Sau vài ngày sẽ thấy lượng máu kinh bớt dần rồi ngưng hẳn.
9. Cây cỏ mực chữa bệnh tóc bạc sớm
Phần lá có mực khi vò nát sẽ ra nước màu đen, chính vì vậy ông bà xưa thường sử dụng nó để làm thuốc nhuộm tóc. Ngoài ra, nhờ có tác dụng bổ máu nên cây cỏ mực còn được dùng làm thuốc sắc uống giúp mái tóc được nuôi dưỡng tốt, trở nên óng mượt, đen bóng và không còn tình trạng gãy rụng.
Cách sử dụng:
Bạn nấu khoảng 1kg cỏ mực cho cô đặc. Sau đó cho thêm nước cốt gừng tươi và mật ong vào tạo thành một thứ cao lỏng. Cất vào hũ thủy tinh và bảo quản trong tủ lạnh dùng dần.
Hàng ngày lấy 2 muỗng cao thuốc hòa chung với 2 thìa nước ấm và một chút rượu. Uống hỗn hợp này một thời gian sẽ thấy số lượng tóc bạc giảm đi trông thấy.
10. Hạ sốt cho trẻ bằng cây cỏ mực
Bên cạnh những tác dụng trị bệnh của cây cỏ mực kể trên thì trong dân gian còn lưu truyền một cách hạ sốt cho trẻ khá hay từ loại cây này.
Theo đó thì khi trong nhà có trẻ bị sốt, cha mẹ hãy hái một nắm lá cỏ mực rửa sạch, cho vào cối giã nát. Chắt nước cốt lá cỏ mực pha thêm chút đường cho bé uống. Trường hợp bé bị sốt có kèm theo ho, viêm họng thì hòa nước cỏ mực chung với vài hạt muối ăn cho bé uống.
Phần bã chúng ta bọc vào một cái khăn sữa và đắp ở các vùng trán, hai nách, và háng của bé để giải nhiệt, giúp trẻ nhanh hạ sốt hơn. Khoảng 20 phút sau hãy kiểm tra lại nhiệt độ của bé. Nếu lúc này con vẫn còn sốt trên 38 độ thì hãy cho bé uống kèm thêm thuốc hạ sốt.
5 lưu ý khi dùng cây cỏ mực chữa bệnh
- Cỏ mực chỉ có hiệu quả khi bệnh còn nhẹ: Những tác dụng của cây cỏ mực nói riêng và của các loại thảo dược khác nói chung chỉ được phát huy một cách tối ưu nếu bệnh nhân áp dụng ngay từ khi bệnh còn nhẹ. Đối với những người bị bệnh nặng dùng cỏ mực chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm triệu chứng, người bệnh cần đi khám và dùng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để khống chế tốt bệnh.
- Phụ nữ có thai không nên dùng cỏ mực theo đường uống: Mặc dù không chứa độc tính song một số thành phần có trong cỏ mực có thể khiến chị em dễ bị xảy thai, sinh non. Vì vậy bà bầu không nên dùng thảo dược này theo đường uống.
- Rửa sạch cỏ mực trước khi sử dụng: Cỏ mực mọc hoang trong tự nhiên nên thường có bám nhiều bụi bẩn, vi khuẩn. Bạn nên rửa kỹ càng và ngâm trong nước muối trước khi dùng, nhất là khi dùng lá tươi giã uống, nhỏ mũi hay đắp hậu môn.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt: Để nâng cao tác dụng trị bệnh của cây cỏ mực thì bệnh nhân ngoài việc kiên trì dùng thuốc đều đặn cũng cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống cho phù hợp với căn bệnh mình mắc phải. Chẳng hạn mắc bệnh trĩ thì nên ăn nhiều rau xanh và uống đủ nước, bị đau dạ dày thì nên kiêng đồ cay nóng…
- Người đang bị tiêu chảy không nên uống nước cỏ mực: Chất tanin trong cỏ mực có thể gây kích thích đường ruột khiến bệnh nhân bị tiêu chảy nặng hơn.
Một số tác dụng của cây cỏ mực chưa được khoa học kiểm chứng mà chỉ được lưu truyền trong dân gian, người dân dùng thấy có hiệu quả nên tiếp tục áp dụng. Vì vậy chúng tôi khuyên bạn nên hỏi ý kiến những người có chuyên môn trước khi sử dụng cây cỏ mực để trị bệnh tại nhà nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân.
Bích Ngân (Tổng hợp)
BẠN ĐÃ BIẾT CHƯA:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!