Bệnh Gout cấp tính là gì, có chữa được không?

Nhiều trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện với các triệu chứng đau nhức, đỏ các đầu ngón tay, ngón chân,… được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Gout cấp tính. Nhìn chung, đây là căn bệnh vẫn còn xa lạ với một bộ phận bệnh nhân. Nhiều người thắc mắc bệnh Gout cấp tính là gì? Có chữa được không? Cần phải làm gì nếu không may mắc phải bệnh.

dấu hiệu bệnh Gout cấp tính
Dấu hiệu bệnh Gout cấp tính

Bệnh Gout cấp tính là gì?

Ở Việt Nam, bệnh Gout hay bệnh Gút (Gouty Arthritis) còn có tên gọi là bệnh thống phong, tên gọi bệnh bắt nguồn từ tiếng Pháp (goutte). Đây là một dạng bệnh viêm khớp có liên quan đến sinh hoạt, thường gặp nhiều ở bệnh nhân nam giới hơn so với nữ giới.

Ở nước ta, các ca bệnh Gout chiếm tỉ lệ 93,5% là nam giới (Chuyên đề Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Chợ Rẫy 2009). Trung bình tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tỷ lệ bệnh nhân mắc Gout chiếm 10 – 15% các bệnh có liên quan đến khớp, những năm gần đây các ca bệnh Gout cũng có chiều hướng tăng lên.

Nguyên nhân gây bệnh Gout

Bệnh Gout xảy ra do nguyên nhân chính đến từ sự lắng đọng các tinh thể Acid Uric tại các khớp, những tinh thể lắng đọng này gọi là muối Urat. Ở người bị Gout, các rối loạn chuyển hóa Purin trong cơ thể sẽ làm cho Acid Uric trong máu tăng lên, đến một mức độ nhất định sẽ gây lắng đọng muối Urat.

Những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh Gout liên quan nhiều đến tuổi tác, yếu tố di truyền, dinh dưỡng, thuốc, giới tính và do một số bệnh lý.

Tùy mức độ lắng đọng mà bệnh có thể gây ra những thương tổn khác nhau ở các khớp. Những trường hợp nặng có thể làm khớp biến dạng, tàn phế.

Bệnh Gout cấp tính (hay bệnh Gút cấp tính) là một trong 4 giai đoạn tiến triển của bệnh Gout, bao gồm:

  • Giai đoạn tăng acid uric (giai đoạn tiền triệu chứng).
  • Giai đoạn Gout cấp tính (Acute Gouty Arthritis).
  • Giai đoạn thương tổn khớp.
  • Giai đoạn Gout mạn tính, viêm khớp Gout mạn (Chronic Gouty Arthritis hay Chronic Tophaceous Gout).
bệnh gout cấp tính
Bệnh Gout thường tiến triển chậm, có thể ở dạng cấp tính hoặc mạn tính

Triệu chứng Gout cấp tính

Các triệu chứng bệnh Gout cấp tính thường không xảy ra ngay mà xuất hiện sau một quá trình tích lũy, tăng Acid Uric và hình thành muối Urat. Giai đoạn tăng Acid Uric thường âm thầm, không có các triệu chứng lâm sàng điển hình nên khó nhận biết, nhiều bệnh nhân thường chủ quan, bỏ qua các triệu chứng nhẹ. Một số triệu chứng ở giai đoạn này gồm có ăn uống không ngon miệng do giảm tiết nước bọt, có cảm giác các cơ co cứng, rung, đôi khi đau đầu, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn bất thường.

Sau một thời gian nhất định, bệnh nhân sẽ bắt đầu chuyển sang giai đoạn Gout cấp tính. Lúc này các triệu chứng Gout cấp tính bắt đầu rõ nét, có thể nhận diện qua những đặc điểm như:

  • Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau nhức ở các mức độ khác nhau.
  • Thông thường bệnh nhân sẽ đau từng đợt, triệu chứng đau tăng dần. Sau những đợt đau âm ỉ kéo dài khoảng vài giờ, các cơn đau ở mức tối đa sẽ bắt đầu xuất hiện.
  • Đặc điểm cơn đau Gout cấp thường xuất hiện đột ngột, thống kê cho thấy cơn đau xuất hiện về ban đêm chiếm tỉ lệ cao hơn ban ngày.
  • Khi cơn đau xuất hiện, các va chạm nhẹ, cử động nhỏ xung quanh vùng khớp bị đau cũng có thể làm cho tình trạng cơn đau tăng nặng lên.
  • Song song với các cơn đau do Gout cấp tính, bệnh nhân có thể bị sốt từ sốt vừa đến sốt cao. Bạch cầu trong máu tăng, đồng thời tăng tốc độ lắng máu, có nhiều bạch cầu trong dịch khớp.
  • Tùy theo từng trường hợp bệnh nhân mà cơn đau do Gout cấp tính có thể kéo dài từ vài ngày (một số trường hợp có thể kéo dài khoảng 10 ngày). Sau các cơn Gout cấp tính, các cơn đau có dấu hiệu giảm dần và biến mất.
  • Thông thường, cơn đau do Gout cấp tính đầu tiên cách cơn đau thứ hai rất lâu (khoảng 5 năm hoặc trên 5 năm) do đó làm người bệnh chủ quan. Càng về sau, tần suất các cơn đau do Gout cấp tính càng tăng, mức độ đau càng nặng và có xu hướng chuyển dần sang Gout mạn tính nếu không can thiệp và điều trị.

Ngoài các triệu chứng Gout cấp tính điển hình, bệnh nhân có thể gặp tình trạng Gout cấp tính không điển hình với dấu hiệu khớp bị đau nhẹ, đau thành từng đợt cấp tính âm ỉ, liên tục với chiều hướng ngày càng nặng và liên tục hơn. Ngoài ra, một số thể bệnh Gout không điển hình khác còn có các thể đau ít, thể giả viêm khớp dạng thấp, thể Gout ngoài khớp, thể Gout do corticosteroid, thể Gout do bệnh men,…

gout cấp tính gây đau nhức
Gout cấp tính thường gây ra những đợt đau nhức bất thường

Bệnh Gout cấp có chữa được không?

Điều trị bệnh Gout cấp tính càng sớm thì hiệu quả đạt được càng cao. Thông thường trong điều trị bệnh Gout cấp tính, bác sĩ thường hướng đến các nguyên tắc chung, bao gồm:

  • Kiểm soát và khống chế các đợt đau, viêm khớp do Gout cấp tính, không để bệnh kéo dài và tiến triển sang dạng mạn tính với thương tổn tăng nặng hơn.
  • Áp dụng các biện pháp phòng ngừa tái phát bệnh Gout bằng cách kiểm soát lượng Acid Uric trong máu và duy trì ở mức cho phép.
  • Thực hiện các biện pháp kiểm soát các bệnh kèm theo, tránh ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh Gout. Điều chỉnh lối sống cũng như chế độ dinh dưỡng.

Ưu tiên trong điều trị bệnh Gout cấp là thực hiện càng nhanh càng tốt vì bệnh càng tiến triển dài ngày thì việc kiểm soát càng khó và nguy cơ tái phát càng cao.

Quy trình điều trị bệnh Gout cấp tính

Thông tin về quy trình điều trị mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế cho hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

  • Đánh giá tình trạng bệnh nhân cũng như tiền sử bệnh, tiền sử sinh hoạt, dinh dưỡng,…
  • Xét nghiệm dịch khớp để đánh giá tình trạng Gout cũng như chẩn đoán phân biệt các thể bệnh Gout khác nhau.
  • Xét nghiệm Acid Uric trong máu để có hướng chẩn đoán, điều trị và tiên lượng (chỉ số Acid Uric đối với Nam là 3,6 – 8,5 mg/dL, với nữ từ 2,3 – 6,6 mg/dL.
  • Xét nghiệm AU niệu trong vòng 24 giờ.
  • Xét nghiệm chức năng thận, các chỉ số ure, creatinin, siêu âm, chụp UIV,…
  • Ngoài ra có thể thực hiện một số xét nghiệm máu, bạch cầu,… tùy theo tình trạng bệnh nhân.
  • Sau khi chẩn đoán, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị theo phác đồ với các thuốc cụ thể.
thăm khám và điều trị gout
Khi bị Gout cấp tính cần chú ý thăm khám, điều trị sớm để tránh bệnh tiến triển thành mạn tính, gây ra nhiều biến chứng

Thuốc điều trị Gout cấp tính

Thông tin về thuốc điều trị mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế cho hướng dẫn điều trị và toa thuốc từ bác sĩ.

Khi bị Gout cấp uống thuốc gì để điều trị bệnh là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân Gout. Trên thực tế, tùy theo mức độ Gout cấp tính mà bệnh nhân có thể được điều trị với các loại thuốc khác nhau. Theo PGS, TS, Bác sĩ Lê Anh Thư (Phó chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam), các loại thuốc điều trị bệnh Gout bao gồm:

1. Điều trị khống chế đối với đợt viêm khớp Gout cấp

Sử dụng các thuốc điều trị như:

  • Diclofenac với liều dùng từ 50 mg x 4 lần / ngày.
  • Indomethacin với liều dùng từ 50 mg x 4 lần / ngày.
  • Ketoprofen với liều dùng 75 mg x 4 lần / ngày.
  • Naproxen liều dùng 500 mg x 2 lần / ngày.
  • Piroxicam với liều dùng 40 mg / ngày.
  • Meloxicam (ức chế chọn lọc COX 2) liều dùng 15 mg / ngày.
  • Celecoxib (ức chế chuyên biệt COX 2) liều dùng 200 – 400mg x 2 lần / ngày.
  • Etoricoxib (ức chế chuyên biệt COX 2) liều dùng 90 – 120 mg / ngày.

Các nhóm thuốc này thường sử dụng trong điều trị ngắn ngày. Mỗi đợt điều trị thường từ 3 – 7 ngày sau đó theo dõi và đánh giá kết quả mỗi đợt điều trị.

2. Điều trị hạ Acid Uric máu

Đối với điều trị hạ Acid Uric máu thường chỉ định sử dụng các thuốc Colchicine hoặc NSAID với liều thấp và tăng dần. Ngoài ra một số trường hợp có thể sử dụng kết hợp Allopurinol hoặc thuốc thay thế nếu dị ứng Allopurinol. Trong quá trình thực hiện hạ Acid Uric máu, bệnh nhân cũng cần được điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho thích hợp nhằm đáp ứng tốt với quá trình điều trị.

Người bị đau Gout cấp nên ăn gì?

Theo lời khuyên của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (VFA), người bị Gout cấp tính có thể ăn một số thức ăn thông thường nhưng phải lưu ý kiêng các thức ăn có thể làm tăng purin trong máu vì sẽ kéo theo tăng Acid Uric. Khẩu phần ăn hằng ngày của người bị Gout được khuyến nghị như sau:

  • Chú ý bổ sung rau quả tự do để cung cấp đủ dinh dưỡng.
  • Chất béo, từ 35 g trở xuống, tương đương 315 kcal mỗi ngày.
  • Tổng lượng đạm khoảng 40 g trở xuống, tương đương 160 kcal mỗi ngày.
  • Bột đường chiếm khoảng 300 g trở xuống, tương đương 1200 kcal mỗi ngày.
  • Tổng năng lượng đưa vào cơ thể không vượt quá 1600 kcal / ngày.

*Số liệu tham khảo từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, VFA (1).

Ngoài ra bệnh nhân cần vận động, tập luyện hằng ngày vừa sức, phù hợp với thể trạng, tránh để thừa cân, béo phì vì sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn. Nhìn chung bệnh Gout cấp tính có thể can thiện và điều trị được nếu được nhận biết điều trị sớm và đúng cách. Tuyệt đối không nên chủ quan trong khám và điều trị khi đã có các triệu chứng ban đầu nghi là Gout. Càng điều trị muộn thì bệnh càng khó chữa và dễ gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho khớp.

Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế cho các chẩn đoán từ bác sĩ điều trị.

Một số dấu hiệu bệnh xương khớp cần chú ý:

Cập nhật lúc 15:33 - 20/09/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo
Messenger